Thần thoại Tứ phủ Ông Hoàng trong đạo mẫu Việt Nam

Tứ phủ Ông Hoàng hay Tứ phủ Thánh Hoàng là các Ông Hoàng trong đạo Mẫu còn được dân gian gọi là Thập vị Ông Hoàng  mà ta hay thấy tọa dưới hàng Chầu Bà và Ngũ Vị Tôn Quan trên ban thờ Tứ phủ. Đây là các vị Thánh nam thuộc về bốn phủ: Thiên, Điạ, Thoải và Nhạc. Huyền tích về sự xuất hiện của họ thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang cho đất nước, địa phương nơi họ hiển linh.

Trong hệ thống thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, ở hàng Tứ  phủ Thánh Hoàng ta thường thấy có đại diện là Ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười. Các Ông Hoàng này thường được thờ ở ban công đồng hoặc ban riêng trong trang phục với màu sắc khác nhau, tượng trưng cho từng phủ. Các Thánh Hoàng thường đảm nhiệm chức năng thay quyền Vua Cha, Thánh Mẫu để ban tài, tiếp lộc, ban công, ban quyền, phù trợ việc học hành, thi cử cho người dân. Đôi khi, các ngài cũng chấm lính, bắt đồng hoặc thậm chí ứng đồng xem bói.

Các Ông Hoàng thường được gọi tên theo thứ tự từ  Ông Hoàng Cả đến Ông Hoàng Mười.

Ông Hoàng Cả

Ông Hoàng Cả Thượng Thiên là vị Thánh Hoàng thuộc Thiên phủ (miền Trời) vì vậy, trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ngài ngự áo màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ. Ngài là Thánh Hoàng rất ít khi giáng đồng.

Ông Hoàng Đôi

Ông Hoàng Đôi là vị Thánh Hoàng thuộc Nhạc phủ. Tương truyền Ông là người Mán, có công dẹp giặc cứu nước nên được nhân dân thờ cúng và tôn sùng. Các huyền tích của ông gắn liền với đền Bảo Hà, Lào Cai. Ông cùng với Ông Hoàng Bảy Bảo Hà dẹp giặc dưới thời vua Lê. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng, ông Hoàng Đôi ngu áo màu xanh lá, tượng trưng cho Nhạc phủ (miền Rừng)

Ông Hoàng Bơ

Ông Hoàng Bơ hay chính là Ông Hoàng Ba (“Bơ” là cách đọc chệch đi của “Ba”) còn được gọi là Ông Hoàng Bơ Thoải là vị Thánh Hoàng thuộc Thoải phủ. Tương truyền, Ông thông thuộc Phật pháp, thơ phú và từng hiển linh giáng trần ban phúc cho dân, ban lộc cho người buôn bán, kẻ học hành đỗ đạt. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông ngự màu áo trắng của Thoải cung. Ngày tiệc của ông là vào 13 tháng 6 và 7 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Ông Bắc Quốc

Theo quan niệm dân gian, Ông Bắc Quốc nguyên là vị tướng triều Minh bên Trung Quốc. Khi nhà Thanh thống trị Trung Nguyên, ông sang lánh nạn ở nước Nam. Khi thác, ông được nhân dân lập đền thờ phụng do có công phù trợ dân ta chống lại quân xâm lược.

Một số vị đồng cổ có khấn: “Ông Bơ Bắc Quốc, Ông Bảy Bảo Hà, Ông Mười Nghệ An”. Chính vì thế, trong nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, người sát căn Ông thường hầu Ông thay vì hầu Thánh Hoàng Bơ Thoải. Khi giáng đồng, ông thường ngự áo kiểu Tàu.

Ông Hoàng Bảy

Ông Hoàng Bảy còn được gọi là Ông Hoàng Bảy Bảo Hà là vị Thánh Hoàng thuộc Nhạc phủ. Các huyền tích về Ông gắn liền với nơi thờ Ông là đền Bảo Hà, Lào Cai. Tương truyền, tên húy của Ông là Nguyễn Hoàng Bảy, là vị quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái dưới thời vua Lê. Bằng tài thao lược, Ông đã có công dẹp giặc, hộ quốc, an dân, sau này cũng vì dân mà hy sinh. Sau khi Ông mất lại hiển linh phù giúp nước nhac, được các triều đình phong kiến ban sắc phong Thượng đẳng thần, phong danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt”, “Thần Vệ Quốc”.

Trong điện thần và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Bảy ngự áo màu lam hay tím chàm, cũng có khi là màu hồng/đỏ. Ngày tiệc Ông là vào 17 tháng 7 âm lịch hàng năm.

Ông Hoàng Bát

Ông Hoàng Bát tương truyền vốn là danh tướng Nùng Trí Cao trong lịch sử, quê Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay). Ông có công đánh giặc Tống xâm lược, lưu danh sử sách, được nhân dân ghi nhớ công ơn và lập đền thờ tự. Sau  này, Ông được triều đình phong kiến sắc phong Thượng Đẳng Đai Vương.

Trong thần điện và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Bát ngự áo màu vàng. Tuy nhiên, ông rất ít giáng đồng. Đền thờ chính của Ông nằm ở đền Kỳ Sầm, xã Vinh Quang, Hòa An, Cao Bằng. Ngày tiệc Ông là vào 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Ông Hoàng Chín

Trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, khi nói tới Ông Hoàng Chín, người ta lập tức nhớ ngay tới Ông Chín Cờn Môn. Nơi chính thờ của Ông nằm ở đền Cờn, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau khi mất, Ông hiển linh phù trợ cho dân, được nhân dân thờ phụng. Trong nghi lễ hẫu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, ông Chín Cờn Môn thường ngự áo the khăn xếp màu đen, hoặc the hồng khăn xếp đỏ.

Ông Hoàng Mười

Ông Hoàng Mười hay Ông Hoàng Mười Nghệ An là vị Thánh Hoàng nổi danh tài hoa, sang trọng, văn võ song toàn. Huyền tích về Ông trong dân gian rất nhiều. Tương truyền rằng, Ông quê ở Nghệ An, là người có nhiều công lao với đất nước và nhân dân.

Trong thần điện và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Mười ngự áo màu vàng. Ngày tiệc Ông là 10 tháng 10 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, thập phương thường lễ bái cầu tài lộc, công danh, khoa cử. 

Trên đây chỉ là các Thánh Hoàng thường hiển linh trong các nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Các Quan Hoàng còn lại thường không giáng trần mà chỉ được dân gian nhớ ơn, thờ phụng.

Comments