Chầu Đệ Tam Thoải Cung

Bà chính là hóa thân của Thánh Mẫu Đệ Tam Xích Lân Thần Nữ. Chầu thân là Thủy Tinh Tiên Nữ, con vua Thủy Tề, ngự miền Long Cung, dân Đại Việt ta thường gọi là Lân Nữ Công Chúa, chủ quản các tiên nữ ở chốn Thủy Phủ.

Tích xưa lưu truyền, Bà là tiểu nữ của Vua Cha Bát Hải Động Đình nhưng cũng có nhiều thánh tích kể rằng bà là con gái của Cha Rồng Lạc Long Quân, danh hiệu Thủy Tinh Động Đình Ngọc Nữ Tam Giang Công Chúa.

Chầu Đệ Tam là rất ít khi giáng đồng vì cũng ít ai hầu giá của Chầu, nhất là vào các ngày tiệc vui. Nếu trong đàn mở phủ mà dâng bốn tòa Sơn Trang thì người ta cũng không hay thỉnh Chầu Bà Đệ Tam về chứng mà thường thay thế bằng giá khác như Chúa Thác Bờ hoặc Chầu Bé Thoải chứng tòa bạch sắc.

Chầu chỉ ngự đồng khi nào ghế đồng hầu ở nơi thoải đền thủy điện có Mẫu Thoải tọa vị. Chầu về đồng thường mặc bạch y, cầm quạt khai cuông. Người ta ít khi hầu chầu trong những ngày lễ vui vì những khi Chầu ngự lại có cảnh sắc u sầu thê lương, việc này liên quan đến câu chuyện năm xưa khi Chầu là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long Giai. Chầu nên vợ nên chồng với Kính Xuyên, ai ngờ bị mụ tiện thiếp Thảo Mai đem lòng ghét ghen vu cáo cho tội không tròn tiết hạnh. Kính Xuyên hồ đồ vội đưa thê tử lên chốn non cao cho hổ lang đoạt mạng.

Đức cao chưa hết, phúc cát vẫn còn, chàng thư sinh Liễu Nghị là bậc nam tử trượng phu ra tay cứu giúp đã tâu lại mọi việc cho Vua Cha Thủy Tề, Thủy Tinh Công Chúa trở về Long Cung kết duyên cùng Liễu Nghị, Thảo Mai và Kính Xuyên phải về chịu tội. Đời sau lưu lại răn dạy chúng dân đặt là tích “Liễu Nghị truyền thư”.

Chầu Đệ Tam thường linh ứng phù hộ dân chúng nước Nam ta được bình an thoát nạn ở nơi sông sâu nước thẳm nên muôn dân lập đền thờ Chầu ở những bãi bồi, cửa biển. Mỗi lần Chầu ngự lại dâng văn:

Tấm thân này có xá chi đâu

Lẽ nào nát ngọc trầm châu

Vùi hoa dập liễu bởi câu tam tòng

Xót vì nỗi má hồng bội bạc

Âu cũng đành bèo dạt mây trôi

Sự này há kể chi ai

Lòng trinh chuyển động đất trời chứng minh.

Trong một số tài liệu, chầu được coi là sinh ra trong một gia đình họ vũ và sự tích về chầu lại là nguyên một câu chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện tình oan trái của người con gái xinh đẹp, tài hoa tên là Vũ Thị Thiết (Truyền thuyết thiếu phụ Nam Xương). Khi đến tuổi thành hôn, cha mẹ nàng đã gả cho chàng Trương Sinh. Thuở đó, giặc dã nổi lên, chàng Trương Sinh phải từ biệt người mẹ già và người vợ yêu để đi vào quân ngũ. Khi đó, vợ chàng đang mang thai đứa con trai đầu lòng. Tiễn chồng ra trận, người vợ hiền ở lại chăm sóc mẹ già và sinh con. Lúc đứa con mới chập chững biết đi và đang học nói thì mẹ chồng qua đời. Sau đó ít lâu, chàng Trương Sinh trở về quê cũ, muốn dắt con nhỏ đi thăm mộ người mẹ quá cố nhưng cháu bé nhất định không chịu đi vì nghĩ chàng là người lạ. Đứa bé nói rằng, cha nó là người hằng đêm vẫn tới chơi với nó. Vốn tính đa nghi và ghen tuông, chàng Trương Sinh chẳng suy xét sự tình, ngày đêm chì triết, mắng chửi người vợ của mình. Người vợ hiền không rõ nguyên nhân vì sao chồng mình lại đổ oan và đay nghiến, xúc phạm mình như thế nên đã ra sông tự tử. Một buổi tối, đứa bé nhìn thấy bóng của Trương Sinh trên tường thì nói với bố mình:

- Kìa! Cha Đản lại tới chơi kìa! Cha ơi! Con nhớ cha quá...

Tới lúc này, Trương Sinh mới rõ sự tình, chỉ có điều, đã quá muộn màng. Cùng làng với nàng Thiết, có một người tên Phan Lang, xưa đã từng cứu bà Linh Phi dưới thoải cung, nay Phan Lang tránh giặc bơi ra biển bị chết đuối, đã được bà dùng phép cứu chàng. Trong buổi tiệc mừng, Phan Lang chợt nhận ra một người cùng làng ngày trước tên là Vũ Thị Thiết. Hai người nhận ra nhau và nàng Thiết kể rõ sự tình cho Phan Lang nghe. Nàng nhờ Phan Lang khi về làng nhớ tìm chồng nàng, kể rõ sự tình và bảo phu quân mình lập đàn giải oan tại bờ sông, chỗ khi xưa nàng gieo mình tuẫn tiết. Sau khi, Trương Sinh lập đàn giải oan, nàng Thiết đã hiện về báo mộng. Nàng nói với phu quân của mình:

- Cảm ơn đức phu quân đã lập đàn giải oan cho thiếp. Long nữ ở dưới thủy cung biết ơn chàng vô cùng. Thiếp sẽ nguyện đời đời kiếp theo chàng. Giờ đây, oan kia đã giải, xin chàng hãy sống thật tốt, chăm sóc và dạy dỗ con chu đáo...

Nói rồi nàng biến mất. Dân làng lập đền thờ bên sông để thờ nàng, tôn nàng là mẹ nước, còn đạo đồng Tứ Phủ gọi nàng là Chầu Đệ Tam Thủy Cung.

Comments