Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn chính là Công Chúa Thiên Thai mà đấng Quốc Mẫu tin tưởng giao cho cai quản cõi sơn lâm thượng ngàn. Chầu còn được gọi là Chầu Bà Đông Cuông, Lê Mại Đại Vương hay Chúa Sơn Trang, được xem là hóa thân của Thượng Ngàn Thánh Mẫu La Bình Công Chúa. Chầu Bà chính là người thừa lệnh của Nhạc Tiên Thánh Mẫu Quế Hoa Mị Nương làm việc.
Theo tín ngưỡng văn hóa Đạo Mẫu, Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị. Dân gian lưu truyền tích bà giáng thế vào gia đình nhà họ Lê (có tài liệu ghi lại tên bà là Lê Thị Kiểm) ở vùng Thác Cái Thác Con, thuộc địa phận tỉnh Hà Giang. Sau này trở thành Bà Chúa Thượng Ngàn. Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, bà chính là bị Chầu Bà thứ hai, có quyền năng tối thượng cả tòa Sơn Trang (mà đa phần các vị chầu bà đều ở trên sơn trang). Do vậy gần như bà là vị có quyền cao nhất hàng chầu, chỉ sau Chầu Đệ Nhất.
Chầu Bà phụng mệnh Nhạc Tiên Thánh Mẫu Quế Hoa Mị Nương coi sóc núi rừng chốn An Nam, ban phúc giáng lộc cho bách gia trăm họ.
Bà vốn sinh làm con gái của gia đình Người Mán tại xứ Đông Cuông, tên húy của Chầu là Lê Thị Kiệm, là vợ của ông Hà Văn Thiên người Tày, họ vâng lệnh thánh thượng quản cai Đông Cuông. Bà có công lập ra làng ấp, dạy cho bách nghệ mưu sinh, bào chế diệu dược chữa bệnh cứu đời, ban phát mễ lương ngũ cốc cho dân thoát đói. Khi về chốn Thiên Cung nhưng vẫn một lòng thương xót muôn dân nước Nam, thường linh hiển nơi rừng thiêng nước hiểm độ trì những ai băng suối vượt non được nạn qua tai khỏi.
Lại kể, lúc quân Lê Lợi muôn phần hiểm nguy, binh sĩ tan tác, mã tượng lâm nàn. Giữa rừng sâu hổ lang chực chầu lại có ánh linh quang hiển hiện soi đường dẫn lối họ hội ngộ nhau tại Chí Linh lánh nạn trong đất Mường Yên. Chầu Bà hóa phép thần thông chở che cho nghĩa quân trong lúc phục hồi thương tật, đúc rèn binh khí, đến ngày đủ sức chống trả giặc thù thì xông pha lập được đại thắng. Bách dân Đại Việt ta nhớ thâm ân Chầu Bà anh linh cứu độ, lập ra đền thờ tín quả dâng hoa, vua sắc phong là Lê Mại Đại Vương, con dân thường gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn.
Chầu về đồng ngự áo màu xanh, đầu chít khăn buồm, đeo kiềng, múa mồi, xông đăng, trình trầu.
Comments
Post a Comment