Thần bếp

Thần Bếp có tên là ông Táo hay Núc, hoặc Thổ công. Là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp. Táo quân là vị thần ghi chép những hành vi và lời lẽ của mọi người ở trong gia đinh thần trông nom.  Mỗi năm, đến ngày 23 tháng Chạp thần lên trời để tâu mọi việc với Ngọc Hoàng, và cũng do lời trong sớ của thần mà gia đình thần ở trong năm tới sẽ gặp sự lành hay dữ.

Bộ hạ của thần Bếp có cá Chép (Gáy) để thần cưỡi lên trời và Nhện để  giúp thần báo tin cho người.

Thần Bếp gồm có một bộ ba, một vợ với hai chồng, theo sự tích sau đây. Ngày xưa, có hai vợ chồng chú tiều kia rất nghèo khổ, lấy nhau đã lâu mà không có con. Người vợ rất thương yêu chồng nhưng chồng lại có tính hay rượu chè và đánh đập vợ. Ban đầu người vợ còn cắn răng chịu sự hành hạ, nhưng sau người  chồng hà hiếp quá, một hôm vác cây đuổi vợ, vợ mới bỏ trốn đi.

Chị tiều trốn vào rừng thấy có một túp lều tranh, đến gõ cửa xin ở đậu. Chủ nhà là một người thợ săn, sau khi nghe chị tiều kể sự tình, bằng lòng cho ở đậu. Được ít lâu hai người lấy nhau, chồng rất thương yêu vợ.

Còn chú tiều, sau khi vợ bỏ đi, đâm ra hối hận mới quyết đi tìm vợ về. Chú tiều cũng đi vào rừng gặp túp lều tranh, trong lúc người thợ săn đi vắng, chỉ có vợ ở nhà. Chú tiều gõ cửa xin vào nghỉ chân, ngạc nhiên thấy lại vợ mình ở đấy, mới khóc lóc năn nỉ vợ trở về. Người vợ cũng khóc theo tỏ ý mình vẫn còn thương chồng cũ.

Hai người đang nói chuyện bỗng thấy người thợ săn trở về. Người vợ hoảng hốt bảo chồng cũ trốn vào đống rơm. Người thợ săn vào đến cửa bảo vợ.

- Bữa nay tôi đi săn được con thỏ. Vậy mình lấy lửa đốt rơm trước nhà để thui con mồi.

Người vợ rụt rè một lúc, người chồng xách thỏ ra lấy rơm đốt, lửa cháy bắt qua cả đống rơm. Chú tiều giẫy giụa một hồi rồi chết trong đó. Người vợ đau lòng quá, thương chồng cũ hóa ra giết chồng, mới nhẩy vào đống lửa đang cháy.  Người thợ săn thấy vợ chết thương quá, tưởng mình làm điều gì trái nghĩa cũng nhảy vào lửa chết theo.

Trời cảm vì tình yêu của ba người, cho cả ba hóa thành ba ông Táo, chụm  đầu vào nhau trong bếp.

Khảo dị: Thần Bếp

Ngoài thần Lửa còn có thần Bếp hoặc gọi là thần Táo hay Núc, trông nom  củi lửa bếp núc cho trần thế. Có lẽ thần Bếp xuất hiện không xưa lắm. Có một điều là giữa thần Bếp với thần Đất công việc và trách nhiệm mỗi bên một khác, nhưng trong nhân dân vẫn coi hai thần gần như là một. Họ gọi thần Bếp là Thổ  công. Trái với thần Lửa, thần Bếp gồm có một bộ ba: một người đàn bà với hai  ông chồng.

Nguyên ngày xưa có hai vợ chồng tên là Trọng Cao và Thị Nhi. Hai người lấy nhau đã lâu mà không có con. Thị Nhi rất yêu chồng. Nhưng chán về nỗi tính tình của chồng ngày một bạo ngược, hai gây chuyện đánh vợ, nàng nhân một hôm nọ chồng vác cây đánh mình, bèn bỏ đi biệt.

Đến một xứ khác, Thị Nhi lấy một người chồng khác tên là Phạm Lang.  Cuộc ái ân lần này rất đằm thắm, chồng yêu vợ rất mực. Hai vợ chồng chăm lo sản xuất ở đồng ruộng. Tuy nhiên Thị Nhi vẫn không quên chồng cũ.

Lại nói chuyện Trọng Cao từ khi vợ bỏ đi, đâm ra buồn bực và hối hận bèn cũng bỏ nhà đi tìm vợ. Chàng cứ lần mò đi mãi đến đâu xin ăn đó. Một hôm tình cờ đến gọi cửa nhà Phạm Lang. Lúc đó Phạm Lang đi vắng chỉ có một mình Thị Nhi ở nhà. Thị Nhi vừa nhìn mặt biết là chồng cũ. Nhưng Trọng Cao thì trái lại không nhận ra vợ của mình.

Đói khát lâu ngày không ngờ lại được Thị Nhi đãi cơm rượu, Trọng Cao  ăn uống mặc sức, ăn xong say quá nằm lăn ra ngủ, Thị Nhi không muốn cho chồng mới biết chuyện, bèn vực Trọng Cao giấu vào đống rơm ở góc vườn rồi phủ rơm lại cho ngủ yên.

Chiều hôm ấy Phạm Lang trở về. Trước khi đi ngủ, chàng đốt đống rạ ở góc vườn để ngày mai bón ruộng. Ngọn lửa gieo vào nơi có Trọng Cao đang ngủ  say. Đến chừng Thị Nhi biết thì Trọng Cao đã bị chết cháy. Thương chồng hóa ra giết chồng nàng đau đớn quá, cái đau đớn không thể thổ lộ được, bèn nhảy ngay vào đống lửa đang bốc ngùn ngụt. Phạm Lang thương vợ, cuối cùng thất chí cũng gieo mình chết luôn bên cạnh Thị Nhi.

Ngọc Hoàng cảm vì tình yêu của ba người bèn cho làm thần Bếp cử đi  trông nom việc thổi nấu ăn uống cho nhân gian, luôn thể xem xét từng gia đình trong một năm có những hành động tốt xấu thế nào để đến ngày 23 tháng Chạp sẽ lên báo cáo cho mình biết.

Thần Bếp có hai bộ hạ: bộ hạ thứ nhất là cá Chép giúp thần trong việc đi về từ hạ giới lên Thiên đình. Bộ hạ thứ hai là Nhện giúp thần báo tin cho người. Việc Nhện làm bộ hạ thần Bếp cũng có lai lịch.

Comments