Ông Vồm, một lực sĩ khổng lồ xứ Thanh, xuất hiện từ thời khai hoang lập địa của nước ta. Tuy không được đồ sộ như các cha ông, nhưng với thân hình cao năm trượng, một vòng tay có thể ôm trọn thân cây cổ thụ trăm năm, sức khoẻ của ông thì phải thuộc hàng top thách đấu Việt, không ai dám hó hé, ông vẫn tay không lấp núi đào mương, giúp con dân trong vùng có cuộc sống ấm no. Thường hay tập thể hình bằng cách vác những nắm đất to nặng cả tấn, nhưng chừng ấy chưa thấm vào đâu so với sức Vồm. Có lần vì muốn tăng đô, ông quyết định chơi một quả lớn, làm một đòn gánh với hai trái núi hai bên to gấp chục lần ông, khiêng đòn gánh trên vai khiến những bước đi nặng nề của ông làm nứt lún cả mặt đất, đi được trăm bước đến gần ngã ba đầu nơi con sông Lường hòa vào sông Mã chẳng may chiếc đòn gánh bị gãy, hai quả núi rơi xuống, một bên là núi Bằng Trình và một bên là núi Đại Khánh. Nếu nghe danh đâu đó có ai sở hữu sức mạnh phi thường, ông Vồm thường kéo đến để gạ kèo solo.
Ông là người lập ấp, khai khẩn đất đai, chăn dắt con dân vùng Đông Sơn với nhiều câu chuyện đầy huyền bí về ông còn truyền tụng mãi sau này.
Cùng thời với thánh Vồm ở Nông Cống và Triệu Sơn (Thanh Hóa) cũng có một vị thần khổng lồ khác. Ông Tu Nưa tu ở núi Nưa có sức mạnh siêu phàm và phép thuật vô biên. Ông thường xuống giúp dân nghèo khai phá rừng rậm, dọn dẹp đất đá, phá gò lấp ao để có đồng ruộng cho bà con trồng trọt. Ông được dân Cổ Định vẫn truyền tai nhau về truyền thuyết tạo nên núi Quảy, sông Cày. Nghe danh Tu Nưa, Vồm ta tìm đến thách đấu phân trình cao thấp, cuộc đọ sức của hai con người phi phàm làm chấn động cả một vùng. Tu Nưa với phép thuật của mình đã có nhiều bước lợi thế ban đầu, Vồm không tài nào có cách chạm đươc vào người y, ông Vồm bóc từng nắm đất lên nèm, bẻ từng cái cây lên đập, về late với lối đánh tank cơ cục súc, trâu chó, Tu Nưa cuối cùng cũng đuối sức, không thể chống cự nổi và chịu thất bại.
Có lẽ trong cuộc đời phiêu bạt, quả chơi lớn nhất của Vồm đó là lên tận thiên đình đòi công lý và cũng một lần nữa Ngọc Hoàng lại bị thua thảm. Năm đó dân tình phải chịu một cơn hạn hán kéo dài, đất đai thì khô cằn, ruộng đồng cây cỏ đều khô héo hết, nguồn nước thì chỉ còn vài giọt chắt chiu, bệnh dịch hoành hành. Thương dân, ông Vồm cũng nhờ có mối quan hệ con ông cháu cha xa ơi là xa nào đó cũng mò lên được tận thiên đình xin nước về cho dân. Nhưng kết quả không được như mong muốn, Ngọc Hoàng khước từ yêu cầu của Vồm vì cho rằng dân chúng vùng đó phải chịu hình phạt do tội lỗi của họ gây ra. Bực tức vì phán quyết không công minh của nhà trời, trên đường rời khỏi chánh điện Vồm đã bắt cóc nàng công chúa của Ngọc Hoàng khi nàng đang mải mê tắm táp trên dòng sông Ngân. Giận giữ, Ngọc Hoàng cho các thần tướng xuống đè đập Vồm, các tướng như Đại Bàng, Phượng Hoàng, Rồng Lửa đều bị ông Vồm vả cho chết, hóa thành núi Bằng Trình, Ngũ Phụng, Hàm Rồng trên đồng bằng xứ Thanh. Biết không làm gì được, Ngọc Hoàng đành chịu nhún nhường, sai thần Long Mã xuống làm sông cứu hạn cho dân. Thần chạy đến đâu, nước theo dấu chân tuôn ra đến đó. Vốn là bạn thân của Rồng Lửa, thần Long Mã lưu luyến chạy nhiều lần bên xác bạn, tạo nên thắng cảnh núi Rồng – sông Mã hiện nay.
Comments
Post a Comment