Thần trụ trời

Thuở sơ khai, khi trời đất còn chưa hình thành, loại người và muôn vật còn chưa xuất hiện. Mọi thứ trên thế giam chỉ là một vùng tối tăm và lạnh lẽo gọi là Hỗn Độn. Trải qua hàng vạn năm Hỗn Độn thai nghén và sinh ra một vị thần không lồ, to lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết. Mỗi bước thần đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi nọ sang núi kia, mà không từ nào có thể miêu tả được sự to lớn của thần. Vị thần đó tiếp tục ngủ say trong trung tâm của Hỗn Độn cho đến khi ngài có ý thức của mình và tự mình thức dậy. Ngài vươn vai, thân hình to lớn đứng thẳng dậy. Một phần của Hỗn Độn bị ngài đội lên đầu, một phần bị dẫm dưới chân. Từ đấy Trời và Đất được hình thành. Dù vậy thuở ban đầu Trời và Đất ở rất gần nhau, mọi thứ vẫn rất tối tăm và chật chội đối với thân hình to lớn của vị thần. Vì vậy, vị thần quyết định xây một cái cột để chống trời lên cao. Thần đào đất, đắp thành một cái cột to lớn. Công việc không biết trải qua bao lâu, bao nhiêu ngày tháng trôi qua. Cây cột đá ngày càng cao lên. Trời như một tấm màn mênh mông được nâng lên. Không biết bao nhiêu sức lực Thần bỏ ra cây cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên tận mây xanh.

Từ đó, trời đất mới phân đôi rõ ràng. Đất bằng như cái mâm vuông, trời tròn như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau ấy là chân trời.

Khi trời đã cao, trở nên ổn định và khô cứng, thần liền phá tan cây cột đi, lấy đất đá ném tung ra khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, đống, thành những dải đồi cao. Chỗ thần đào sâu để lấy đất đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông.

Mọi việc xong xuôi, thần nằm xuống nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng thành quả của mình. Rồi từ đấy thần chìm sâu vào giấc ngủ. Cơ thể khổng lồ biến thành núi, đồi, sông nước và cây cỏ.

Cột trụ trời bây giờ cũng không còn nữa. Người ta kể rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương. Núi ấy còn gọi là Kình Thiên Trụ.

Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác xuất hiện và nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển... và các vị thần khổng lồ khác nhưng đó là chuyện của sau này....

Vì vậy, dân gian có câu hát còn truyền đến ngày nay:

Ông đếm cát

Ông tát bể (biển)

Ông kể sao

Ông đào sông

Ông trồng cây

Ông xây rú (núi)

Ông trụ trờị..


Comments