Tài Bạch Tinh Quân hay Thần tài

Trong tín ngưỡng Việt Nam và một số nước phương Đông, Thần Tài (Tài thần) luôn là vị thần được thờ phụng ở tại gia, đền miếu, công ty, cửa hàng cho đến xe cà phê thuốc lá lề đường. Đây là vị thần theo quan niệm dân gian sẽ đem lại tiền tài, may mắn. Người ta thường vẽ ông hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân (財帛星君) hay Triệu Công Nguyên Soái. Người đời vẽ ông trên một cái đĩa làm bằng kim loại trên bàn thờ để thờ cúng.

Hoạt động tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài ở Việt Nam của người Việt rất khác với người Trung Quốc, cùng thờ ông Thần Tài nhưng tại Việt Nam, nhất là ở miền Nam, ông Thần Tài được thờ chung bàn thờ với ông Địa và bàn thờ được đặt thấp ở xó xếp chứ không như người Trung Quốc, lễ vật thờ cúng cũng giản dị và tùy tâm. Ngày Mồng Mười tháng Giếng âm lịch, tức là ngày Mồng Mười Tết Nguyên đán được người Việt chọn làm ngày thờ thần tài đầu năm hay còn gọi là ngày vía Thần Tài. 

Thần Tài và Thổ Địa, giống hay khác nhau?

Sở dĩ Thần Tài mang đậm màu sắc Trung Hoa là vì ông được người Hoa thờ phụng rộng rãi và tôn sùng hơn cả. Bởi người Hoa vốn giỏi việc kinh doanh, có tài buôn bán vì thế mà Thần Tài cũng trở thành vị thần có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng Trung Hoa. Trong khi đó thì đối với người Việt, Ông Địa là quan trọng hơn cả vì họ vốn sống nhờ vào nền nông nghiệp. Tuy vậy, người ta thường gộp cả thần Đất và thần Của lại với nhau. Mà nếu nhìn theo hình thức tượng thờ thì Thần Tài mà người Việt đang thờ gần như là một biến thể của vị Phúc Đức Chính Thần trong văn hóa Trung Hoa. Thực tế, trong tín ngưỡng Trung Hoa thì Thần Tài và Thổ Địa không hề tách biệt, họ chính là một vị. Việc này bắt nguồn từ tư duy Ngũ hành tương sinh của Lão giáo: "Thổ sinh Kim". Theo tại bức bài vị thờ tại chùa Ông Bổn ở quận 5 Tp.HCM thì vị Thổ thần có công năng lưu giữ tài lộc. Tại tư gia của các gia đình người Hoa, ta cũng có thể thấy trên bài vị ghi rằng "Môn khẩu Thổ Địa tiếp dẫn Tài Thần". Như vậy, đối với người Hoa thì Thần Tài và Thổ Địa là một. Còn với người Việt, Thổ Địa bắt nguồn từ văn hóa lúa nước (Ông Địa mặc áo phanh ngực chứng tỏ khí hậu nóng và cột khăn trên trán là hình tượng của người nông dân Nam Bộ) còn Thần Tài thì du nhập từ người Hoa Chợ Lớn cho nên thờ hai vị tách biệt.

Có bao nhiêu Thần Tài?

Người Hoa tùy theo vùng mà có một vị Thần Tài khác nhau, có nơi xem Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) chính là Thần Tài, có nơi lại là tam tiên Phúc Lộc Thọ. Tuy nhiên, được sùng kính và tôn thờ nhất vẫn là Tài Bạch Tinh Quân. Tài Bạch Tinh Quân thực chất có đến Ngũ Lộ Thần Tài gồm 5 vị, đứng đầu là Kim Long Như Ý Chánh Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân_Triệu Công Minh Nguyên Soái. Bốn vị phụ có: Chiêu Bảo Thiên Tôn, Nạp Trân Thiên Tôn, Chiêu Tài Sứ Giả, Lợi Thị Tiên Quân. Cũng do có đến năm vị Tài Thần mà bàn thờ lúc nào cũng phải để năm chung nước. Nếu có Thần Tài ở nhân gian để giúp ta kiếm tiền chính phủ thì cũng phải có Thần Tài ở âm ty để giúp mấy người đã qua đời kiếm vàng mã chứ. Vị Thần Tài Âm Phủ có vẻ ngoài như một Phán Quan, mặt mũi đen thui, đội mũ trắng ống cao như quỷ Vô Thường trên mũ có chữ "Nhất Kiến Phát Tài". Người ta quan niệm vị này mặt mày u ám, ăn mặc rách rưới nhất định là đã rước hết mọi vận xui vào người, vì vậy từ đó người ta thờ cúng ông rộng rãi, đầu năm thường cúng tế linh đình mong Thần Tài cõi âm sẽ rước hết mọi xui rủi đi.

Truyền thuyết Thần Tài :

Tích kể rằng xưa kia thương buôn Lưu Minh đi ngang qua hồ Thành Thảo do thành tâm cúng bái Thủy thần mà được ngài hiện lên ban cho hầu nữ tên là Như Nguyện. Từ lúc đưa Như Nguyện về thì việc buôn bán phất lên hẳn, không bao lâu Âu Minh trở nên vô cùng giàu có. Vào ngày Tết năm nọ, do bực tức Âu Minh lấy roi đánh Như Nguyện khiến cô sợ hãi chui vào đống rác trốn mất. Kể từ đó việc làm ăn lụi bại, không bao lâu tán gia bại sản. Kể từ đó ngày tết người ta kị quét rác vì sợ Thần Tài ở trong rác rồi bị quét đi mất. Cũng từ tích này mà bàn thờ Thần Tài chỉ đặt ở nơi xó nhà hoặc ngóc ngách.

Câu chuyện khác về ông Triệu Công Minh sống ở Võ Đang vốn nghèo khổ hằng ngày chỉ đi nhặt quần áo cũ và thức ăn thừa, làm bạn với ông chỉ có một con chó mực và con vịt không biết đẻ trứng. Gần đó có Tiên Viên Ngoại nổi tiếng giàu có nhưng độc địa và cực kì hoang phí. Triệu Công Minh thường đến phủ của Viên Ngoại để nhặt lại những thứ bỏ đi, quần áo thì ông mặc, thức ăn đem nuôi chó và vịt. Một hôm kia con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, chó khạc ra 10 thỏi bạc. Cứ ngày qua ngày, những quả trứng vàng và thỏi bạc đầy ắp, họ Triệu trở nên giàu có vô cùng. Tiên Viên Ngoại do ăn chơi trác tán mà đành phá sản ăn xin. Động lòng thương cảm, Công Minh ngỏ ý giúp đỡ Viên Ngoại nhưng lòng tham vô đáy, lão Viên tính kế giết chết họ Triệu để chiếm đoạt tài sản, hắn phóng hỏa đốt nhà. Đúng lúc đó, con vịt hóa thành Phụng Tước cõng Triệu Công Minh bay lên cao tránh nạn, chó mực biến thành Hắc Hổ xé xác Viên Ngoại. Bỗng chốc vàng bạc trở thành đá xanh, Triệu Công Minh hóa thành Tài Bạch Tinh Quân bay đi mất. Người đời sau tưởng nhớ lập miếu thờ phụng Thần Tài. Cũng vì vậy mà từ đó miếu Thần Tài thường khắc chim phụng, đi theo ông là con cọp đen.

Một số tài liệu nói rằng, Triệu Công Minh chính là người phò trợ Khương Thượng lật đổ nhà Thương, lãnh binh phạt Trụ. Sau được phong thần hiệu là Chính Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân, thống lĩnh tứ vị thiên thần: Chiêu Bảo, Nạp Trân, Chiêu Tài, Lợi Thị. Một số truyền thuyết khác cho rằng Thần Tài là anh Lưu Hải câu được cóc ba chân hay Phạm Lãi là người phò Việt Vương diệt vua Ngô Phù Sai.

Tại sao vía Thần Tài lại là mồng 10 tháng Giêng?

Chuyện kể một lần Thần Tài nhậu say, lỡ chân té xuống trần. Dân chúng thấy ông mặc đồ đẹp quá bu vào lột sạch. Té mạnh quá nên ông cũng quên mình là Thần Tài. Thần Tài đành đi ăn xin, nhà kia bán quán thịt quay ế ẩm thấy ông ăn xin tội nghiệp mời vô đãi ăn. Ai ngờ người ta kéo vào ăn nườm nượp do phúc lộc của Tài Thần. Khách đông quá mà ông ăn xin hôi hám choáng chỗ nên họ đuổi đi. Cửa hiệu đối diện tự nhiên thực khách kéo qua quán kia hết nên đồ ăn lỡ làm kêu ông ăn xin vào cho ăn. Khách lại ùn ùn kéo qua quán nầy, từ đó có câu "Thần Tài gõ cửa". Người ta hiểu ra sự tình ông này ở đâu thì nơi đó phát đạt, họ xem ông như idol, thấy không có quần áo mặc nên dẫn đi mua, đến ngay cửa hàng mà quần áo của ông bị lột mang đến bán. Được mặc lại quần áo, đội mũ Thần Tài, ông nhớ lại mọi thứ rồi làm phép bay về trời. Ngày Thần Tài bay lên trời chính là mồng 10 tháng Giêng.

Nữ thần lúa

Từ thời vua Hùng dựng nước đá truyền lại câu truyện về nữ thần Lúa, một vị thần xinh đẹp, dáng người ẻo lả, và có tính hay hờn dỗi.

Nàng là con gái Ngọc Hoàng. Sau những trận lụt lội ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị diệt hết, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con đẻ cái trên mặt đất, sai nữ thần Lúa xuống trần gian, nuôi sống loài người. Nữ thần làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mẩy hạt. Lúa chín tự về nhà không cần gặt và không phải phơi phóng gì cả. Cần ăn, cứ ngắt bông vào nồi là lúa sẽ thành cơm.

Một hôm cô con gái nhà kia đang bận việc. Sân chưa quét dọn, cửa kho cũng chưa mở, lúa ở ngoài đã ùn ùn kéo về. Cô gái cuống quít và đâm cáu. Sẵn tay đang cầm cái chổi, cô đập vào đầu bông lúa mà mắng:

- Người ta chưa dọn dẹp xong đã bò về. Gì mà hấp tấp thế?

Nữ thần Lúa đang dẫn các bông lúa vào sân, thấy sân, đường bẩn thỉu rác rưởi đã bực trong lòng, lại bị mang một cán chổi vào đầu, tức lắm. Cả đám lúa đều thốt lên:

- Muốn mệt thì ta cho mệt luôn. Từ nay có hái tre, liềm sắc cắt cổ tao, tao mới về.

Từ đó nữ thần Lúa dỗi, nhất định không cho lúa bò về nữa. Người trần gian phải xuống tận ruộng lấy từng bông. Thấy vất vả mệt nhọc quá, người ta mới chế ra liềm hái để cắt lúa cho nhanh. Và lúa cũng không tự biến thành cơm nữa, mà phải phơi phóng, xay giã cho ra gạo. Sự hờn dỗi của nữ thần Lúa còn đôi khi cay nghiệt hơn nữa. Nữ thần vẫn giận sự phũ phàng của con người, nên nhiều lần đã cấm không cho các bông lúa nảy nở. Có kết hạt cũng chỉ là lúa lép mà thôi. Vì thế sau này mỗi lần gặt xong là người trần gian phải làm lễ cúng hồn  Lúa, cũng là cúng thần Lúa. Có nơi không gọi như thế thì gọi là cúng cơm mới. Cúng hồn Lúa, cơm mới, do các các gia đình tổ chức trong nhà mình. Các làng, các bản cũng phải mở những ngày hội chung để cúng thần Lúa. Trong những  ngày hội ấy, mở đầu cho các cuộc tế tự và trò vui, là một ''tiết mục'' hấp dẫn, gọi là: Rước bông lúa. Các trò Trám (Vĩnh Phú), trò Triềng (Thanh Hóa), trò thổi tù và cây Hống (Nghệ Tĩnh), v.v... đều có rước bông lúa như vậy.

Comments